Ở Mỹ, cứ vào ngày thứ năm cuối cùng của tháng mười một là người dân lại tổ chức ngày Lễ Tạ Ơn nhằm thể hiện lòng biết ơn của mình đối với Đức Chúa Trời, người đã ban cho họ mùa màng tươi tốt bội thu.
Nhân dịp này, cô Daniel, một cô giáo dạy lớp 1, đã ra một bài tập nhỏ cho các em học sinh của mình: "Trong số những món quà mà Chúa Trời đã ban tặng, các em biết ơn nhất về món quà nào và hãy vẽ hình món quà ấy". Cô Daniel thầm tự hỏi liệu các chú bé và cô bé này sẽ biết ơn về những gì đây khi mà cuộc sống của chúng đầy những khó khăn và thiếu thốn. Cô chỉ biết rõ một điều là hầu hết bọn trẻ sẽ vẽ hình những chú gà tây và những chiếc bàn đầy ắp thức ăn, đó chính là những món quà quí giá mà những đứa trẻ nghèo khó này có được. Thế nhưng cô đã vô cùng bất ngờ trước bức tranh một bàn tay với nét vẽ thật đơn giản. Đó chính là bức tranh của Douglas. Bàn tay đó là của ai? Cả lớp đều thắc mắc về hình ảnh trừu trượng này. Một em học sinh phát biểu: "Em nghĩ đó ắt hẳn phải là bàn tay của Chúa Trời, người đã ban cho chúng ta thức ăn". Một em khác bảo: "Đó là bàn tay của người nông dân, người đã nuôi gà tây." Cô Daniel liền đến bên bàn của Douglas nhẹ nhàng hỏi: "Em có thể cho cô biết đây là bàn tay của ai không, Douglas?". Cậu bé khe khẽ trả lời: "Dạ, bàn tay của cô ạ."
Lúc này cô chợt nhớ lại: vào giờ nghỉ giải lao, cô vẫn thường dắt tay các em học sinh ra sân chơi. Với những đứa trẻ khác thì điều này thật bình thường, nhưng với Douglas, một cậu bé vốn hay u buồn cô độc, thì điều này lại có một ý nghĩa vô cùng to lớn bởi đó là lúc duy nhất Douglas có thể đưa tay ra, trao tặng cho người khác một cái gì đó. Có lẽ lòng biết ơn không xuất phát từ những của cải vật chất mà chúng ta dã được ban tặng. Lòng biết ơn xuất phát từ một cơ hội mà người khác đã cho chúng ta, dù rất nhỏ nhoi, để chúng ta có thể dâng tặng cho người và cho đời.